Tin tức sự kiện

Tin tức thị trường

Share |

Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung hai mô hình quản lý nhà chung cư

Cập nhật 10-06-2019,09:02 AM
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thời gian tới, Bộ đề xuất bổ sung hai mô hình quản lý nhà chung cư, đó là chủ đầu tư tự quản lý, vận hành nhà chung cư và tự quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; giao cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà

Cải tạo chung cư cũ: Vướng vì chưa bảo đảm hài hòa lợi ích

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV chiều nay (4-6), trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn Gia Lai) về giải pháp để khắc phục tình trạng nhiều chung cư cũ xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay, vướng mắc nhất trong cải tạo chung cư cũ là không bảo đảm được hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

“Doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ bị hạn chế theo quy hoạch về tầng cao, diện tích và dân số ở khu vực đó nên nếu lập dự án thì không bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, vì thế, ít doanh nghiệp muốn tham gia”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất có quy định linh hoạt hơn về tăng chiều cao, dân số đối với dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ trong một số trường hợp. 

Bộ Xây dựng phối hợp với thành phố Hà Nội xây dựng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với cải tạo chung cư cũ. Chẳng hạn, xây dựng chung cư cũ nhưng mở rộng hơn dự án để cải tạo cả khu vực lân cận thành khu đô thị phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ, cũng như tạo được lợi nhuận cho nhà đầu tư để nhà đầu tư tham gia tích cực. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành việc kiểm định, đánh chất lượng nhà chung cư cũ, chỉ đạo tổ chức lập phê duyệt, công bố quy hoạch, kế hoạch cải tạo, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với địa phương để thúc đẩy việc cải tạo nhà chung cư cũ.

Về việc để tồn tại nhiều chung cư cũ nguy hiểm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận trách nhiệm là thời gian qua chưa kịp thời phối hợp với địa phương để xử lý tốt việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ. Bộ sẽ tích cực phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương nghiên cứu cụ thể tình hình để đề xuất Chính phủ những cơ chế, chính sách mới nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Trả lời chất vấn của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) về việc nhiều dự án nhà ở chung cư chưa đủ cơ sở pháp lý nhưng nhà đầu tư đã bán, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận có tình trạng này và do chủ đầu tư cố tình vi phạm. 

Bộ trưởng chia sẻ, một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng trên là tăng cường thanh, kiểm tra và xử phạt nghiêm chủ đầu tư vi phạm. Theo quy định, mức phạt là 270 triệu đồng đến 300 triệu đồng với hành vi kinh doanh bất động sản thiếu điều kiện; nếu cố tình chiếm dụng vốn gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 



Sẽ có thêm hai mô hình quản lý nhà chung cư

Trả lời chất vấn của đại biểu Phan Viết Lượng (Đoàn Bình Phước) về vi phạm pháp luật trong quản lý nhà chung cư kéo dài, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thông tin, hiện nay, trên cả nước có tổng cộng 4.422 chung cư, trong đó 458 chung cư có tranh chấp, chiếm khoảng 10%.

Tranh chấp chủ yếu liên quan đến việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị; không thống nhất đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư; chậm đóng góp bàn giao quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì; chất lượng công trình; phí dịch vụ...

Nguyên nhân của các tranh chấp trên là do một số quy định về pháp luật chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính để thực hiện dự án, chú trọng đến lợi nhuận, chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng nên không mở tài khoản riêng để quản lý kinh phí bảo trì, trì hoãn việc bàn giao khoản kinh phí bảo trì cho ban quản trị. 

Ngoài ra, có trường hợp người dân mua nhà không xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng, trong khi chủ đầu tư thường đưa ra những điều khoản có lợi cho chủ đầu tư và bất lợi cho người mua nhà. Một số ban quản trị với thành viên ít kinh nghiệm chuyên môn, chưa có kinh nghiệm quản lý nhà chung cư.

Thời gian tới, Bộ sẽ sửa đổi quy định về thu kinh phí bảo trì, tổ chức hội nghị nhà chung cư, tư cách pháp nhân của ban quản trị chung cư.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, theo quy định, mô hình quản lý nhà chung cư là có ban quản trị nhà chung cư. Thời gian tới, Bộ đề xuất bổ sung hai mô hình nữa, đó là: Chủ đầu tư tự quản lý, vận hành nhà chung cư và tự quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư; giao cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp. Nếu có hai mô hình này, việc quản lý nhà chung cư sẽ đa dạng, linh hoạt hơn.

“Việc chọn mô hình nào, chủ đầu tư hay đơn vị chuyên nghiệp thực hiện là do cộng đồng dân cư ở nhà chung cư tự quyết định và vẫn phải có sự giám sát của cộng đồng thông qua ban quản trị chung cư”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Theo hanoimoi.com.vn
Các tin liên quan
Các tin mới
  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland
Khu vực nội bộ

  @ 2014 Bản quyền thuộc về công ty Hudland